Có ai lại đi câu cua trên núi nhỉ ?!
Công việc lên Tam Đảo thì ít mà tò mò đi với hội chíp thì nhiều. Từ tối hôm trước cu em đã í éo rủ đi câu cua trên núi. Cua bắt trong hang thì hồi bé về quê mình đã bắt rồi còn lên núi để câu cua thì chịu . Trót cầm tinh con tò mò nên đi là phải rồi !
Loáng cái là xong việc, mấy anh em phi lên núi để chuẩn bị mọi thứ, mấy cây nứa, vài đoạn dây thép và một lon mồi là đám giun đất. Cuối cùng không thể thiếu là xô đựng chiến lợi phẩm. Thấy bọn nó đem cả cái xô đi đựng cua mà mình phát hoảng. Dễ thường ăn cua trừ bữa cả tuần chứ chả chơi.
|
Ai cũng chọn số 2 mà chẳng người nào nhận số 1 nhỉ |
Vẫn như mọi khi, quang cảnh vùng núi luôn có sức hút đặc biệt đối với mình. Làm mấy kiểu cho tụi em xong thì quay ra làm văn tả cảnh.
|
Còn gì đẹp hơn với vạt cỏ tha thướt ven hồ |
|
Dương xỉ vàng Tam đảo mọc tự nhiên trong các kẽ đá |
|
Một loại Tóc thần vệ nữ rất đẹp của Tam Đảo |
|
Ráng tổ chim và Dương xỉ bám trên cây rừng |
|
Những bông hoa leo rừng nở vàng rực trên các tán cây |
Đoạn đường leo núi rất ngắn ngủi, thay vào đó là những đoạn dốc thật gắt qua các ruộng su su mà đích đến cuối cùng là con suối dưới chân thác Bạc. Các bạn trẻ nhanh chóng chuẩn bị mồi và chọn chỗ câu còn mình không bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu hệ thực vật ven suối.
|
Móng bò leo Tam đảo, hoa mầu cam nở từ tháng 3 đến tháng 4 hàng năm |
Có một điểm đặc biệt là mồi câu cua có thể dùng một mồi giun duy nhất từ đầu tới cuối cuộc đi câu. Những chú cua núi hay chính xác là cua suối trên núi thường hay trú ngụ trong các kẽ đá dọc theo lòng suối. Người đi câu chỉ việc nhứ mồi vào các kẽ đá, nếu may mắn mà khe đá đã có chủ thì cần câu sẽ rung lên và sau đó ... kéo lên nào |
Những nụ cười thu hoạch |
Để câu cua suối, người câu cần phải đi xuôi theo dòng suối, kỹ thuật này giúp cho mùi của mồi phát tán nhanh chóng theo dòng nước, đánh thức sự chú ý của những chú cua nhiều hơn.Bóng nắng len lỏi qua tán cây cùng với ẩm độ cao ven bờ suối và cả khu rừng là điều kiện lý tưởng cho những loài thực vật phụ sinh, chịu bóng. Đó đây trên các tảng đá rêu phong, trên các thân cây lớn có sự xuất hiện của những cây Má đào, hiện đang rất thông dụng với tên Son môi do hình dáng hoa có hình dáng tương tự như vậy.
|
Son môi ( Má đào) Tam Đảo |
Son môi Tam đảo có hoa không lớn lắm nhưng có mầu đỏ rất đậm. Tuy nhiên khi đem xuống nhân giống dưới đồng bằng vào mùa nóng cây cần một thời gian khá dài để hồi phục và "thuần" - tức là ra hoa bình thường như các cây Son môi khác. Vào mùa thu cây thích nghi dễ hơn nhưng lưu ý giữ ẩm cho bộ lá. Nếu bộ lá bị mất nước và co ngót, cây sẽ hồi phục lâu hơn.
Các bạn trẻ câu được cua, còn mình cũng hồ hởi không kém vì có thêm Son môi Tam đảo cho vườn. Cũng chỉ cần vài nhánh đem về là đủ vì dù sao đây cũng là nhà của chúng. Bảo tồn và phát triển thì nên chứ khai thác tận kiệt hay tàn phá thì đừng.
Vạt nắng ven bờ đã tắt nhưng mặt đất vẫn sáng lên với thảm Thài lài sọc. Nhớ những năm trước bác Hiểu ở Phủ Tây Hồ nhân giống làm chậu treo khá nhiều. Giờ ít người chơi Thài lài sọc làm chậu treo nhưng dân làm sân vườn vẫn sử dụng khá nhiều. Chỉ nhìn vào điều kiện của cây ngoài tự nhiên đã thấy cây phù hợp với các thiết kế sân vườn nhiệt đới, dưới chân các tán cây lớn hoặc các tiểu cảnh có ánh sáng yếu. Cũng là cách học từ chính tự nhiên.
|
Thài lài lá sọc |
|
Cây thượng cán lá xẻ này có bản lá rộng, tròn khá đẹp. Cây thuộc họ Ráy. |
Tình cờ đang thi công cho một sân vườn với thác nước và hồ cá Koi nên chịu khó quan sát cảnh vật ở đây cũng là ý kiến không tồi.
Đã nhìn, đã thấy rất nhiều sân vườn với thác nước nhưng với một góc đầu "thác" như thế này không phải ai cũng làm được. Hoàn toàn tự nhiên nhưng cực kỳ chuẩn xác với đá vách, đá gờ môi, đá chia nước,... Chắc chắn mấy bác người Nhật viết sách dạy làm thác cũng chạy ra ngoài tự nhiên ngắm nghía chán chê rồi khái quát hóa lại thành những quy tắc cơ bản.
Đang ngẫm ngợi thì hội chíp lại hò reo ầm ĩ. Chú cua to nhất , gan lỳ nhất vừa bị tóm.
|
Chiến lợi phẩm của iem |
|
Tự sướng với cua cho nó lạ ! |
|
Cua nhiều thế này ăn làm sao đây |
Nắng chiều rồi cũng nhạt dần, mấy anh em hồ hởi ra về với nguyên một "thùng cua". Kết quả thu được với mỗi người thật là mỹ mãn.
Cảm ơn mấy em đã cho ông anh mở mắt, biết thế nào là Lên núi câu Cua.
TungLam Garden
www.caycanh.vn
thích quá à, mình cũng muốn được trãi nghiệm câu cua trên núi nữa
ReplyDeleteHoàng Nguyên Green